Anti K-pop
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Anti K-pop

AntiKpop
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC

Go down 
4 posters
Tác giảThông điệp
Mắt Dọc Thần Thánh

Mắt Dọc Thần Thánh


Tổng số bài gửi : 1966
Join date : 15/06/2010
Age : 34
Đến từ : Linh's House

Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC    Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  EmptySat Jul 17, 2010 1:48 am

Hắn mệt lắm. Từ lâu rồi hắn đã thấy mình kiệt sức. Mặc dù công việc của hắn ở cơ quan cũng chẳng phải căng thẳng gì nhưng hắn vẫn luôn cảm thấy rã rời. Buổi sáng hắn vừa làm việc vừa canh bảng điện. Buổi chiều, hắn vừa cặm cụi giải quyết công việc tồn đọng ban sáng vừa tranh thủ lướt web tìm kiếm thông tin, tranh luận trên các diễn đàn chứng khoán. Tối về, vừa ăn cơm vừa xem bản tin tài chính trên TV. Đêm đến, bật máy tính theo dõi Dow John. Mười ngày thì cả mười như thế. Lâu ngày, hắn như thể một con nghiện và lúc nào cũng mệt.
Suốt nửa năm nay, cái vốn chơi chứng khoán của hắn đã teo tóp lại càng teo tóp. Thực ra vốn của hắn đã trôi theo cơn lũ quét của chứng khoán năm 2007-2008 rồi. Vốn ở đây là vốn đi vay của anh em, họ hàng. Hắn vay chơi chứng khoán hòng gỡ lại vì hắn quyết “ ngã ở đâu thì đứng dậy ở đấy”. Bây giờ cái số vốn vay ấy cũng sắp teo huyền tèo, thành ra hắn lại càng bị áp lực.
Hôm nay thì hắn mệt hơn. Hắn tưởng như có thể chết được. Đêm qua, hắn thức trắng để xếp hàng chờ xin học cho con hắn vào trường mầm non. Hắn được vợ sai đi từ lúc ăn xong bữa cơm tối. Hắn cứ nghĩ rằng 8 giờ sáng mai Nhà trường mới bắt đầu nhận đơn thì việc xếp hàng từ đêm nay là việc hơi thừa . Bởi vậy, trên đường đi hắn đã tạt vào quán Net để xem DJ đêm nay mở cửa thế nào.
Thế là hắn đã phải trả giá cho cái tội không nghe vợ. Chín rưỡi tối, hắn tới cổng trường và hắn rụng rời chân tay. Từ cái cổng trường đóng chặt, một đoàn người, lỉnh kỉnh chai nước, ghế con xếp hàng hai, hàng ba kéo dài dọc theo vỉa hè dễ đến hai, ba trăm mét. Hắn cố len vào nhưng đến chỗ nào hắn cũng bị lườm nguýt. Cuối cùng, hắn đành trật tự đứng cuối hàng, nhưng chỉ nửa tiếng sau hắn lại thành người đứng giữa. Vì thế, suốt đêm hắn không dám rời chỗ, buồn đái không dám đi, khát khô họng giữa cái nóng hầm hập cũng không dám gửi chỗ đi uống nước.
Vậy mà con hắn vẫn không được nhận. Trường chỉ có thể nhận 200 cháu mà có đến gần 1000 người xếp hàng. Hắn chưa vào được qua cổng đã có thông báo hết chỗ. Hắn không dám cãi, giả câm giả điếc khi vợ hắn chì chiết : “ Đúng là người đời, em đã bảo mà anh không nghe. Anh mà đi xếp hàng từ lúc đi làm về thì đâu đến nỗi …Bây giờ thì con học ở đâu đây ” May mà vợ hắn không biết hắn vào hàng Net.
Hắn mệt rũ người. Trời thì nóng, nóng hầm hập. Cái nóng trên 40 độ ngấm vào bê tông, gạch ngói ngày này qua ngày kia, bây giờ tỏa ra, cộng với ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt, xuyên qua mái tôn, quẩn từ nhà nọ sang nhà kia, cứ thế mà hầm nhừ, nướng chín hắn và vợ con hắn. Hắn muốn nằm vật ra mà ngủ nhưng không thể nào ngủ được vì nóng. Gió nóng từ cái quạt cứ như thổi lửa vào mặt. Vả lại. cơn nghiện tin tức lại đến . Hắn bật máy tính, lướt web ào ào, đọc mà như không đọc . Hết nợ công Châu Âu lại Vinashin nợ 80.000 tỷ đồng …Toàn nợ là nợ. Màn hình nhập nhòa những nợ…
Bỗng, có ai chạm vào vai hắn. Hắn quay lại và há hốc mồm. Sừng sững giữa nhà hắn là một người có khuôn mặt đế vương, đầu đội mũ cánh chuồn màu vàng, vai đeo túi gậy đánh gôn, mặc áo phông Reebok, chân đi giày thể thao Nike nhưng lại mặc sooc chơi tennit . Hắn ú ớ :
- Ngài là…Ngài là…
- Cứ đoán xem. Nhưng ta không phải là Tiger Woods đâu.
- Vâng. Chắc chắn Ngài là dòng dõi đế vương nhưng sao Ngài lại mặc trang phục nửa tennit nửa chơi gôn thế kia?
- Ngươi đoán đúng rồi đấy. Người kia cười ha hả. – Sân gôn mọc như nấm ta không chơi thì sao gọi là sành điệu được. Còn nửa gôn nửa tennit là vì ta mới chuyển từ tennit sang gôn nên mới kịp thay áo chưa kịp thay quần…
- Vây, Ngài là…Hắn ấp úng .
- Thôi, không phải đoán nữa. Ta nói nhanh cho nó vuông. Ta là Chúa Chổm đây. Ta thấy ngươi khổ sở vì …kiếm tiền nên ta đến cho ngươi một cơ hội kiếm tiền.

Ối giời ôi! Quả là số hắn có quý nhân phù trợ, sắp chết đuối lại vớ được cọc. Hắn cám ơn rối rít và sốt sắng xin Ngài chỉ dạy. Ngài nghiêm mặt :
- Ngươi có biết ta sẽ giao cho ngươi việc gì không?
- Dạ. Chắc là Ngài giao cho con làm “ chân gỗ ” cho “đội lái ” hoặc phím cho con một con hàng “ hot ”.
- Ngu. Ngài quát lên làm hắn giật nảy cả mình. Ngu lắm con ạ. Thế mấy hôm nay, mày thấy báo chí nói gì ?
- Dạ. Con chỉ thấy hết nói đến nợ công ở tận Châu Âu lại nói đến tập đoàn kinh tế của ta nợ hơn 80.000 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần vốn, sắp phá sản…
Nghe đến đây, nét mặt Ngài giãn ra :
- Cái này ai cũng biết cả, nhưng không được nói thẳng ra như thế. Nợ thì phải trả nhưng ai trả thì mày có biết không?

Hắn nhanh nhảu đọc làu làu những gì sách đã dạy :
- Tập đoàn vay, Nhà nước bảo lãnh nếu Tập đoàn không trả được thì Nhà nước phải trả.
- Lại ngu. Ngài có vẻ mất bình tĩnh : Nhà nước là ai mày nói tao nghe. Người trả là mày, là dân hiểu chưa?
- Dạ. Con hiểu ạ. Hắn cuống quít đáp bừa mặc dù hắn không thể hiểu hắn có đi vay đâu, có được tiêu đâu mà phải trả.
- Thế mày có biết nước ta có bao nhiêu triệu dân không?
- Dạ. Hơn tám mươi triệu dân. Cái này thì hắn chắc chắn.
- Thế nếu chia khoản nợ này cho dân thì mỗi người phải trả bao nhiêu ?
Hắn nhẩm rất nhanh :
- Dạ, khoảng 1 triệu đồng.
- Giỏi. Tính nhanh đấy. Ngài vui vẻ hẳn lên. Đấy, việc ta giao cho ngươi là như thế đấy. Bỏ chứng khoán đi, chịu khó làm việc ta giao, ta sẽ chi phần trăm cho, lại chả hơn chơi chứng.

Hắn chả hiểu ra làm sao. Mỗi người dân phải trả một triệu đồng, hắn cũng phải trả thì hơn sao được việc hắn chơi chứng, dù hắn lỗ nhiều hơn lãi. Hắn đành liều hỏi lại :
- Con chưa hiểu. Xin Ngài nói rõ hơn dược không? Con phải làm gì?
- Thế này nhé. Ngài cố nén để giảng giải : Phải trả món nợ cũ thì mới có thể vay thêm được nhiều món nữa để làm dự án này, dự án kia, để mà chi tiêu . Vì vậy, ta giao cho ngươi khẩn trương đi thu tiền để trả nợ. Ngươi đã tính rồi đấy : mỗi người một triệu, không trừ một ai.
- Không trừ một ai? Hắn hỏi lại.
- Đúng . Không trừ một ai. Ngài khẳng định như đinh đóng cột : Ai còn sống là thu tất. Từ trẻ con mới đẻ đến người già sắp chết, từ thằng ăn mày đến ông chủ, cứ là người mang quốc tịch Việt nam dù ở đâu cũng phải thu. Có như thế mới đủ. Hiểu chưa. Ta sẽ chi phần trăm cho…phân nửa thuế thu nhập chứng khoán nhé. Nhận đi, hơn chơi chứng đấy.
Hắn nhẩm tính, hơn chơi chứng thật. thế là hắn nhận lời . Ngài vui lắm.
- Tốt. Để cho nhanh, nhà ngươi không cần đi ô tô, máy bay làm gì. Ta sẽ cho nhà ngươi một phép lạ. Ngươi cứ nghĩ đến ai là ngươi đứng ngay trước mặt người đó, nghĩ đến chỗ nào là ngươi ở ngay chỗ đó. Được chưa. Đây danh sách 80 triệu dân đây. Cầm lấy.
Nói xong, Ngài nhổ một bãi nước bọt vào trán hắn để ban phép và biến mất. Đưa tay lên trán lau bãi nước bọt, hắn thấy phảng phất mùi rượu XO.

Thế là hắn vào việc. Trong đầu, hắn lên phương án tiến hành thực hiện như thế nào cho nhanh. Hắn sẽ bắt đầu từ địa đầu đất nước và từ người đứng đầu ở đó. Mới nghĩ đến đó hắn đã thấy hắn ở tỉnh Cao Nguyên Đá và đang ở trong một phòng ngủ giống như trong khách sạn. Hắn không tin ở mắt mình nữa : trên giường Chủ tịch Nghêu đang trần như nhộng. Hắn dụi mắt nhìn, chả nhẽ hắn quáng gà. Hay là IQ của hắn thấp quá mà không nhìn thấy quần áo của Chủ tịch Nghêu. Hắn hoang mang tột độ … và định quay ra.
- Vào đây. Ngượng cái gì. Cởi quần áo ra rồi lên giường . Có gì cứ trình bày, anh giải quyết cho. Giọng nói xởi lởi của Chủ tịch Nghêu làm hắn vững dạ quay đầu lại và lí nhí trình bày mục đích chuyến viếng thăm. Chủ tịch Nghêu cả cười :
- Tưởng chú cũng như bọn thằng Sò, thằng Ốc, con Hến. Thôi được. Anh nộp luôn, thế này với anh là muỗi. Anh chi cho mấy đứa học trò của hiệu trưởng Sầm Đức Xương còn gấp trăm lần thế này ấy chứ.
Thấy Chủ tịch Nghêu dễ tính, hào phóng, hắn giả vờ vuốt ve :
- Anh gương mẫu quá, nhưng…em thấy anh cũng nên đề phòng dị nghị…
- Bố đứa nào dám làm gì anh. Mấy năm nay anh vẫn thế có sao đâu. Chủ tịch Nghêu cười khoe cả hàm răng vẩu : Anh vẫn được giới thiệu trong danh sách nhân sự đợt này …chú không thấy à ? Thôi chú đi đi, anh sắp có khách…
Ra khỏi tòa nhà, hắn ngước nhìn. Một cái bảng hiệu đập vào mắt hắn : THỊ HẾN HOTEL.

Công việc khởi đầu thuận lợi làm hắn phấn khởi vô cùng. Thế này thì chả mấy chốc mà hắn ối tiền. Vừa nghĩ đến tiền , hắn đã thấy mình đang ở tỉnh SÔNG TIỀN.
Vẫn là người đứng đầu trước tiên. Nghĩ đến đó là hắn đã đứng trước một quý bà mà tướng tá chả khác gì bà Phó Đoan. Hắn rạp người trước ánh mắt sắc như dao của quý bà :
- Em chào chị ạ.
- Biết rồi. Quý bà khoát tay : Tổng cộng là bao nhiêu nói nhanh.
- Dạ. Thế chị nộp thay cho bao nhiêu người ạ ?
- Chú tính hộ chị nhé : từng này con, cháu, chắt, anh em họ hàng, đứa học ở nước ngoài , đứa ở quê. À cả thằng em nuôi bên Ngân hàng nữa. Nó đang phải đi lánh vì bị vu cho giật nợ…
Đúng là một người làm quan cả họ được nhờ. Hắn xuýt xoa :
- Chị đúng là quan tâm, lo lắng cho họ hàng. Quý hóa quá. Chả mấy người được như chị.
Được khen, quý bà như được gãi đúng chỗ ngứa :
- Người ngoài mà chị còn chả tiếc, tiếc gì người nhà. Đấy chú xem : Cả cái Công ty du lịch tỉnh chị còn bán như cho gia đình ông Hoàng Kiều, biếu không 77,5 tỷ đồng cho Công ty Nhật Thành Tân mà có cần lằng nhằng thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh đâu. Tính chị thoáng thế mà chúng nó còn tố cáo này, tố cáo nọ…
Xem ra, nếu đứng lâu lại lằng nhằng lắm chuyện, dây dưa đến chuyện khiếu nại, tố cáo thì bỏ mợ. Hắn nịnh nọt mấy câu để lảng sang chuyện khác :
- Vâng, gặp được chị đúng là may quá.
- Chứ còn sao nữa. Gặp được chị là chú “ xuân ” hơn cả Xuân tóc đỏ còn gì. Thôi, đi nhé. Chị còn bận đi họp.

Đến đây thì hắn thấy mình đã nhìn nhận sai về các vị quan chức. Trước đây hắn cứ nghĩ các vị quan chức nhà giàu khó bỏ đồng tiền ra để đóng góp cái này cái nọ lắm vì có khi nào hắn thấy trong danh sách ủng hộ người nghèo, quỹ tấm lòng vàng, nạn nhân, những người cơ nhỡ…có tên các quan chức đâu, dù họ giàu nứt đó đổ vách, mà toàn là bà con nghèo ủng hộ lẫn nhau theo kiểu lá rách ít đùm lá rách nhiều. Chính vì vậy, hắn mới nghĩ là họ khó. Khó thì phải đến trước. Khó làm trước dễ làm sau.
Bây giờ thay đổi quan điểm rồi, hắn sẽ đến các quan chức sau vì họ là số ít. Hắn sẽ đi thu số đông trước. Khó ở số đông là ai? Là những người dân sắp chết, chết già, chết bệnh…Hắn nghĩ khó là ở chỗ không phải họ không chịu đóng góp mà lỡ họ chết trước khi được đóng góp thì sao. Vậy thì hắn phải đến chỗ họ trước.
Vừa kịp nghĩ đến đây thì hắn đã đứng trước một ngôi nhà xiêu vẹo, mái lợp tôn han gỉ, thủng lỗ chỗ, ngùn ngụt hơi nóng trên một miếng đất bé tẹo, xơ xác cỏ gianh. Vào đến cửa, hắn nhận ra lão Hạc. Đúng rồi, lão Hạc. Lão đang nằm trên chiếc chõng tre.Thấy bóng người, lão rên lên :
-Vào đi… không có …chó đâu.
Vâng. Hắn biết là lão đã bán con Vàng lâu rồi. Lúc đọc đến đoạn lão bán con Vàng hắn đã khóc. Nhưng hắn vẫn hy vọng lão vẫn còn tiền : tiền bán chó, tiền bán đất vì hắn thấy vườn nhà lão hình như không còn. Chắc bán rồi.
- Làm gì còn tiền cậu ơi. Lão Hạc nói mà mắt lại ầng ậng nước – Khốn nạn thân tôi, cậu biết rồi đấy, tôi bằng này tuổi rồi mà phải lừa cậu Vàng, phải bán đi miếng đất vườn dù đã có nhời nhờ vả thầy giáo Thứ trông nom cho để chờ thằng con về cho nó cưới vợ. Vậy mà hết rồi cậu ạ. Lão lại khóc, đôi vai gầy rung lên.
Nhớ ra thằng con lão, hắn hỏi thăm và cũng là dò xem nó có thể nộp cho cả bố nó được không vì hắn thấy chả hy vọng gì ở Lão Hạc nữa rồi :
-À. Thằng con lão về chưa? Nó đâu rồi.
- Về rồi. Lại đi rồi. Lão khóc rưng rức. Nó về chẳng kịp cưới vợ, chỉ kịp bán miếng đất để lấy tiền nộp cho người ta đưa đi lao động bên Nga. Người ta bảo, chúng nó bị lừa, chẳng có giấy tờ gì nên phải trốn chui, trốn lủi, lao động bất hợp pháp nên chẳng có tiền mà về, ăn còn chả đủ, bữa đói bữa no…Bây giờ tôi chết chắc cũng chẳng thấy mặt con. Lão ho sù sụ và nấc lên đau đớn.
Chán quá, nhưng đã đến thì cũng phải nói. Hắn nhắc đến nghĩa vụ công dân của bố con lão đối với khoản nợ 80.000 tỷ đồng. Lão lại càng khóc to :
- Nhục quá, cậu ơi. Từ xưa đến giờ tôi có ăn không, quịt nợ của ai cái gì đâu. Nhưng lần này tôi đành khất cậu vậy. Tôi đành chết cho đỡ nhục vậy.
Nói rồi, lão lật đầu giường lấy gói thuốc chuột dốc vào cái mồm đã hết sạch cả răng của lão nhanh đến nỗi hắn không kịp cản lại. Trên gói thuốc chuột, hắn chợt nhận ra mấy hàng chữ Trung quốc. Vậy còn may, uống thuốc này lão chẳng chết được dù có muốn chết. Lão vẫn phải sống để mà làm nghĩa vụ công dân của bố con lão.
Hắn an ủi lão :
- Lão không chết được đâu. Thuốc đểu đấy. Lão mua ở đâu vậy?
Lão Hạc lại càng khóc to hơn :
- Nhà Dậu cho. Tôi làm gì còn tiền mà mua. Khốn nạn thân tôi, muốn chết cho đỡ nhục mà cũng không được.

Nhà Dậu, đúng rồi. Lão Hạc vừa nhắc đến nhà chị Dậu. Hắn chẳng kịp nghĩ nữa, mắt đã tối sầm cả lại. Xung quanh tối đen như mực, hắn chẳng nhìn thấy gì. Định thần một lúc, hắn mới nhận ra hắn đang đứng trong sân nhà chị Dậu. Hắn kêu lên :
- Có ai ở nhà không? Sao tối như đêm ba mươi thế này?
- Ai đấy. Bu em thắp đèn lên cái nào, mất điện rồi. Tiếng anh Dậu yếu ớt vọng ra từ trong nhà.
- Thày em nói ít thôi kẻo lại mệt. Tôi đang tìm nến đây. Tiếng chị Dậu dịu dàng.

Đứng trước gian nhà tối đen như mực. Hắn lẩm bẩm : “Đúng là mất điện thì nhà ngói như nhà tranh” . Hắn chợt thấy mình thâm thúy khi nghĩ đến việc hắn đang phải làm. Đúng rồi, lúc này thì giàu hay nghèo đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Thật là công bằng.
Trong nhà có ánh sáng hắt ra. Chị Dậu đã thắp xong nến. Có tiếng kẹt cửa. Chị Dậu bước ra, giơ cao ngọn nến . Hắn đùa :
- Tôi đây, không phải Trương tuần đâu.
- Cái nhà chú này. Bây giờ làm gì còn trương tuần. Tôi cứ tưởng ông Tổ trưởng đến thu tiền ủng hộ, đóng góp cái gì. Vào đi chú. Chị Dậu né người, tay vẫn giơ cao ngọn nến soi cho hắn bước vào.
Trong ánh nến yếu ớt, run rảy, hắn thấy anh Dậu nằm thu lu trên chiếc giường ở góc nhà. Trời nóng hầm hập mà anh vẫn trùm kín chiếc chăn chiên sờn rách. Hắn ái ngại :
- Anh nhà vẫn ốm à? Đã thuốc thang gì chưa?
- Vưỡn thế. Chị Dậu thở dài : Thuốc đắt quá chú ạ. Tôi nghe người ta nói thuốc tây ở nước mình đắt gấp năm, gấp mười nước khác. Cho nên nhà tôi chả bao giờ đủ tiền mua thuốc. Đơn cho một liều thì chỉ đủ tiền mua nửa liều. Vì thế, anh ấy vẫn ốm từ ấy đến giờ…
Biết nhà chị Dậu khó khăn, chả thế mà người ta vẫn nói “ rách như nhà chị Dậu ”, nhưng hắn vẫn muốn biết gia cảnh chị Dậu bây giờ. Hắn hỏi thăm :
- Dạo này chị làm gì? Còn làm ở nhà cụ Nghị không?
- Thôi lâu rồi. Trong ánh nến lờ mờ hắn vẫn nhận thấy chị Dậu hơi đỏ mặt : Bây giờ người ta toàn uống sữa “Cô gái Hà Lan ” thôi. Giờ tôi gặp gì làm nấy, lúc phụ bán hàng, lúc bán rong, khi thì lau dọn nhà thuê…Cũng khó khăn lắm, làm thì được ít mà chi tiêu nhiều, cái gì bây giờ cũng tăng giá vùn vụt.
Biết mà. Nhưng chẳng lẽ lại về không. Hắn ngập ngừng nhưng rồi cũng phải nói. Chị Dậu ngượng ngập :
- Giá mà anh chị có thì nộp ngay cho chú. Quả thật, chả bao giờ anh chị dành dụm được tiền…
Anh Dậu gắt lên, giọng hổn hển :
- Bu em lạ nhỉ. Kêu ca cái gì. Thôi, vào đây tôi bảo.

Có tiếng léo nhéo ngoài sân. Hắn bước ra, để cho vợ chồng anh chị Dậu bàn tính. Cái Tý với thằng Dần đã về. Hai đứa trẻ vẫn quắt queo, đen đúa. Hai đứa vừa đi nhặt rác về. Con chị ca cẩm :
- Hôm nay được có mười lăm ngàn. Nếu em chịu khó nhặt cả trưa thì có khi được hai mươi ngàn đồng cho thày mua thuốc.
- Em có lười đâu. Thằng em phụng phịu cãi : Tại nắng quá, mấy lại em đói. Từ sáng đến giờ có mỗi cái bắp ngô luộc.
Trong nhà có tiếng anh chị Dậu bàn nhau :
- Bu em đừng có kêu ca, chú ấy đến nhà mình thu tiền trả nợ thì cũng là vì dân, vì nước, vì danh dự quốc gia. Chứ để người ta nói ra tán vào như cái nước gì bên Tây ấy : vay nợ đến suýt vỡ nợ thì còn mặt mũi nào nữa. Túng gì thì túng nhưng không thể chịu nhục được. Bu em xem nhà mình có còn tiền không?
- Làm gì có tiền. Để dành mãi mới được vài trăm đang định đi mua cho thày em ít thuốc.
- Thuốc men gì. Anh Dậu lại gắt lên. Tôi ốm mãi rồi, có ốm thêm cũng chẳng chết được, nhưng chịu nhục thì không được. Bu em sang bên nhà ông giáo Thứ xem có giật tạm được ít nào không.
Tiếng chị Dậu thở dài :
- Bên ông giáo Thứ bây giờ còn túng hơn nhà mình nữa ấy chứ. Sang làm gì, tội cho người ta. Ông giáo nghỉ dạy rồi…
- Sao vậy? Tưởng ông giáo chưa về hưu cơ mà?
- Thì thế. Nhưng vừa qua nghe đâu ông giáo tố cáo chuyện tiêu cực thi cử gì đấy nên người ta ghét. Đơn từ gửi đi khắp nơi cũng chẳng ai giải quyết, lại còn trù dập…Mấy lại, ông giáo chẳng đồng tình cái chuyện ép học trò học thêm, chẳng chịu dạy thêm kiếm tiền lại cứ đi dạy ở các lớp tình thương miễn phí. Thế nên người ta lại càng ghét. Chịu không nổi, ông giáo xin nghỉ dạy rồi.
- Rõ khổ. Tiếng anh Dậu xót xa : Thế bây giờ làm gì mà sống. Con cái thì nheo nhóc, vợ thì ốm…Hay là bu em sang bên bà cụ Tràng xem có mượn tạm được ít nào không? Vợ chồng chú Tràng còn khỏe mạnh chắc cũng có dành dụm được. Anh Dậu nài nỉ.
- Cũng chẳng ăn thua gì. Chị Dậu chán nản : Bà cụ ốm nặng, đưa đi viện được chưa đến 1 tuần lại phải xin về vì hết tiền. Chú Tràng thì vừa chăm mẹ ốm vừa đi làm bữa đực bữa cái, chẳng có tiền. Vợ chú ấy sang Đài loan làm ô sin mấy tháng nay rồi. Nghe đâu, chủ nó hành hạ cũng khổ lắm, tiếng tăm chả biết nên chả biết kêu ai. Thôi, mình cố bòn nhặt trong nhà vậy…
Anh Dậu bàn :
- Thôi, thì cũng đành vậy. Tôi nghe thấy bảo học phí sắp tăng gấp 2 đến 5 lần đấy. Bu em xem thế nào. Hay là cho cái Tý nghỉ học đi làm. Vừa là đỡ tốn vừa là có tiền dành dụm để nộp suất nhà mình. Những 4 triệu cơ đấy. Không nộp được tôi thấy nhục lắm. Cố nộp bây giờ, chứ để đến đời cái Tý, thằng Dần phải nộp thay cho bố mẹ nó thì sống làm gì. Nhục lắm.

Hắn len lén ra khỏi nhà chị Dậu. Hắn không thể ở lại để nghe những người dân nghèo bàn cách trả nợ. Hắn cảm thấy không phải. Hăn lẩm bẩm : “Mẹ, thế này thì đúng là lấy của thằng miền xuôi, nuôi thằng miền ngược. Vô lý. ”. Hắn bỗng thấy hắn ví von sai bét, ý hắn muốn nói là không thể bắt những con người đáng thương kia phải gánh chịu cho những kẻ làm sai. Nhưng hắn đã nói rồi, đã nghĩ đến miền ngược rồi. Vậy là hắn đã ở giữa núi đồi chập trùng Tây Bắc.
Hắn vào nhà A Phủ, bởi vì hắn chỉ biết có mỗi một câu chuyện “ Vợ chồng A Phủ ” mà hồi phổ thông hắn đã học. Hắn nhận ra A Phủ ngay nhờ chiếc vòng làm bằng dây đồng hoen rỉ mà A Phủ vẫn đeo trên cổ thay cho vòng bạc. A Phủ đang ngồi trên bậu cửa, mắt dõi về một nơi nào xa xăm lắm. Phía trước mặt, cỏ gianh xơ xác, lẫn trong đá, đang rạp mình trong cái nắng như đổ lửa. Tấm lưng trần của A Phủ vẫn còn hằn vết sẹo roi da trâu của bố con Thống lý Pá Tra ngày nào. A Phủ bảo :
- Uống rượu đi. Không còn bố con thằng Pá Tra nữa rồi. Tao không phải trốn nữa rồi. Đất Phìn Sa này bây giờ người Mông nghèo như thằng A Phủ này làm chủ rồi. Đất nước này là của chúng ta rồi.
Bưng bát rượu ngô, hắn dốc vào họng. Rượu ngô cay xé làm hắn trào nước mắt. Hắn cũng thấy nhục nếu không trả được nợ. Hắn không còn nghĩ đến phần trăm, phần chiếc gì nữa. A Phủ khảng khái :
- Mày nói đúng. Nhục lắm. Không trả được nợ thì nhục lắm. Thằng A phủ này, từ trước tới nay chỉ có một lần được cầm tiền. Đó là lúc thằng Thống lý Pá Tra bắt tao cầm trăm bạc trắng nhà nó để con ma nhà nó nhận mặt người chịu nợ. Nhưng bây giờ, tao phải trồng thêm cây ngô, đào thêm củ sắn để dành tiền trả nợ. Không trả được, nhục lắm, thà ăn lá ngón…
A Phủ đứng lên, rút cây sáo cài trên vách, khoác cái áo chàm sờn vai bước xuống bậc thang :
- Tao phải đi tìm Mỵ về. Mỵ bị bọn người xấu bắt đi rồi. Nó bị bán sang Trung Quốc rồi. Tao phải đi tìm nó về. Chúng tao sẽ trồng thêm nương ngô, nuôi thêm con lợn. Chúng tao sẽ có ngô, sẽ trả nợ, không trả được thì thà ăn lá ngón.
A Phủ khoát tay chỉ ra trước mặt :
- Tao sẽ trồng ngô ở chỗ này.
Hắn không tin được. Đá, chỉ có đá. Mênh mông là đá. Hắn nhắm mắt lại cũng không tưởng tượng được những cây ngô của A Phủ sẽ mọc lên từ chỗ nào. Hắn như nghe thấy tiếng xèo xèo của những giọt mồ hôi rơi trên đá. Nhìn theo bóng A Phủ chệnh choạng đi tìm vợ, thấp thoáng giữa chập chùng núi đá Tây Bắc, hắn như chợt nghe tiếng sáo rủ bạn tha thiết trong đêm tình mùa xuân ngày nào :
“ Mày có con trai, con gái
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu ”.

Hắn chợt thấy thương A Phủ, thương Mỵ, thương anh chị Dậu, cái Tý, thằng Dần, thương lão Hạc…và thương thân. Và hắn chợt thấy giận, giận cái gì hắn cũng không biết. Chỉ thấy giận. Hắn muốn hét lên nhưng cứ tắc nghẹn. Người hắn như bị đông cứng trong cơn giận. Hắn cố, hắn cố …và hét lên.
Hắn hét lên và choàng tỉnh dậy. Người hắn đầm đìa mồ hôi. Nóng, nóng quá. Cái quạt đã đứng im. Lại mất điện. Vợ hắn càu nhàu :
- Mơ cái gì mà hét ghê thế. Con nó vừa mới thiu thiu lại dậy rồi. Quạt rã cả tay…
Trong nhà, con bé con khóc ngằn ngặt vì nóng. Không. Hắn không thể để con hắn phải trả món nợ này. Hắn phải trả.
Ngày mai, hắn sẽ tất tay. Hắn sẽ margin 300%. Đằng nào cũng chết. Nhưng không thể nhục…

Hà nội, 14-7-2010.

Post tạm vào đây để sáng dậy đọc, h đi ngủ đã.
Về Đầu Trang Go down
Z

Z


Tổng số bài gửi : 1493
Join date : 22/06/2010

Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC    Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  EmptySat Jul 17, 2010 3:14 am

dài quá anh ơi, mỏi mắt. hix
Về Đầu Trang Go down
kuytars

kuytars


Tổng số bài gửi : 209
Join date : 15/07/2010
Đến từ : somewhere

Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC    Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  EmptySat Jul 17, 2010 7:44 am

hic, vừa bị điện giật xong, vào thấy cái topic này
dài quá =.=
Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  8P0.10894149_1_1
Về Đầu Trang Go down
Da^u




Tổng số bài gửi : 119
Join date : 03/06/2010
Age : 34
Đến từ : Paradise's Strawberries ^^!

Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC    Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  EmptySat Jul 17, 2010 1:10 pm

*dàj wé* hjxhjx
Về Đầu Trang Go down
Mắt Dọc Thần Thánh

Mắt Dọc Thần Thánh


Tổng số bài gửi : 1966
Join date : 15/06/2010
Age : 34
Đến từ : Linh's House

Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC    Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  EmptySat Jul 17, 2010 3:50 pm

Đã định không nói, nhưng không nói không chịu được. Ờ mà nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh... huống chi lại thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?

Thực vậy, có ai một buổi chiều lất phất mưa xanh, trời căm căm rét, mà ngả một con cầy ra đánh chén với đôi ba bạn cố tri mới có thể cảm thấy rằng không phải đời lúc nào cũng không đáng để cho người ta sống.

Rõ rằng là mình đương buồn muốn chết, người ủ rũ ra, mà “làm một bữa” vào, chỉ giây lát là “nó sướng tỉnh cả người ra”, không chịu được. Tôi có thể cam đoan với các anh: một người thất tình, muốn đi tự tử, nếu người ấy biết thưởng thức món thịt cầy, mà các anh lại mời y dùng chơi chút đỉnh rồi muốn đi chết đâu hãy chết, tôi có thể tin rằng mười bận thì chín bận ăn xong anh ta sẽ đổi ý định ngay.
Là vì đời có thịt cầy, thỉnh thoảng ăn chơi một bữa ta thấy nó cũng bõ để cho ta sống, mặc dầu có nhiều lúc cái kiếp con người còn khổ hơn cả cái kiếp con chó vài ba bực.
Lo cho con học, vợ hỏi tiền làm giỗ; phắc tuya đèn chưa trả; nhân tình dọa bỏ đi; cuối tháng, lại phải đến chủ nhà hỏi xem hắn có bằng lòng cho thuê nữa hay không... bao nhiêu nỗi lo âu khốn nạn làm cho lòng người ta day dứt!

Những lúc đó, ăn vàng vào miệng cũng không ngon. Ăn vàng vào miệng không ngon, nhưng ăn một miếng chả chó, ta lại muốn ăn hai để chờ món tái đem lên, ta vừa nhắm nhót vừa suy nghĩ trong khi đợi món dựa mận, chết chết! Sao nó ngầy ngậy, béo béo, ngòn ngọt mà lại có thể thơm đến thế!
Ta tự bảo: “Ờ mà, sống ở đời bất quá nhiều lắm cũng chỉ đến sáu, bảy chục năm là cùng. Mà trong sáu, bảy chục năm đó, ngày vui quá ít, lo âu, sầu não lại nhiều, thế thì tội gì lại chuốc phiền khổ vào người cho mệt!
Ngả con cầy ra đánh chén! “Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?”.
Thôi thì được ngày nào hãy cứ biết chiều ông thần khẩu ngày ấy đã, sau ra sao sẽ liệu. Ấy thế mà chưa biết chừng ăn một bữa cầy vào, cái vận mình nó lại chuyển hung thành cát, chuyển đen thành đỏ thì lại càng hay, chớ có sao đâu?

Thật vậy, thịt cầy ở nước ta không phải là một món ăn như thịt dê, thịt lợn, nhưng nó lại còn là một niềm tin tưởng trong dân gian nữa.
Vận đương xúi quẩy, ăn một bữa thịt chó vào, người ta rất có hy vọng giải đen. Đánh bạc thua liền ba đêm, này! Ăn một bữa thịt chó, có người gỡ lại hết cả tiền thua, mà lại còn được thêm là khác. Thử hỏi trong tất cả các món ăn trên thế giới có món ăn nào khả dĩ lại di chuyển được vận hạn của con người đến thế hay không?
Nhưng dẫu sao, chuyện di chuyển vận hạn cũng là chuyện của tương lai huyền bí. Nói ngay chuyện thiết thực ở trước mắt mà chơi.
Một chiều mưa phiêu phiêu ở chốn đồng ruộng căm căm gió rét, không đi chơi đâu được, mà trải một cái chiếu lên thềm gạch ngô, đưa cay vài chén tửu, trước mặt có một mâm thịt chó làm đủ các món: chả, tái, cary, dựa mận, chạo, nem... riêng cứ trông thôi, ta cũng đã thấy lòng phiêu phiêu như mở hội rồi.
Thịt luộc đỏ tươi, bì vàng màu da đồng, đặt bên cạnh đĩa rau húng chó; vài dĩa riềng thái mỏng tanh; chả nướng, béo ngậy, màu cánh gián; đĩa bún trắng bong nằm cạnh những bát hầm dựa mận màu hoa sim; những liễn xào nấu với chuối “chưa ra buồng” thái con bài; những đĩa dồi tươi hơn hớn, miếng thì trắng, miếng thì hồng, miếng thì tím lợt, đôi chỗ lại điểm những nhát hành xanh màu ngọc thạch... tất cả tiết ra một mùi thơm làn lạt như mùi hoa đồng thảo lại ngồn ngộn như mùi thịt gái tơ... xin hỏi có ai mà chịu được, không thưởng thức một hai miếng làm duyên?
Người chưa ăn bao giờ ăn thử một miếng lại muốn ăn hai, còn người đã biết ăn rồi thì phải nói rằng trông thấy thịt chó mà không được ăn thì buồn bã ủ ê, nếu không muốn nói là bủn rủn chân tay, bắt chán đời muốn chết.
Thôi, hãy xếp mọi thứ ưu phiền lại, cầm đũa “làm” mấy miếng đi, người anh em! Xin mời! Rượu này là thứ rượu sen cất ở Tây Hồ nhưng không xóc, uống vào một tợp mà như uống cả một làn sen ngào ngạt của Hồ Tây ngạt ngào vào bụng.
Nhắm một miếng dồi, lại đưa cay một tợp rượu, rồi khẽ lấy hai ngón tay nhón một ngọn rau húng điểm vào một vị hăng hăng, man mát cho tất cả cái bùi, cái béo, cái cay, cái mát, cái hăng quyện lấy nhau, anh sẽ nói với tôi cảm tưởng của anh ra thế nào... Quả vậy, nếu sau này, người ta chết xuống âm phủ mà không có dồi chó để ăn thì âu cũng là một mối hận thiên thu mà ta cần phải đề phòng ngay tự giờ.
Oc chó có tiếng là ngon, nhưng có ý vị, càng ăn càng thấy ngon thì chính là dồi chó. Sao mà lại có những người có óc vĩ đại lại đi nghĩ ra được cách làm một cái thứ dồi ngon lạ ngon lùng đến thế, một tổ hợp tiết tấu đến như thế, hở Trời?
Gắp một miếng chấm muối chanh, rồi đưa cay một hơi rượu, ta thấy tất cả tiết, sụn, lá thơm và đậu xanh ở trong miếng dồi nâng đỡ nhau, đoàn kết nhau thành một khối bất khả chia lìa, không những thấy ngon lành cho khẩu cái mà thôi, nhưng lại còn làm cho ta mát gan nở ruột vì cái đẹp tinh thần do sự nhất trí tạo thành.
Ai cũng đã ăn dồi lợn, và ai cũng ăn dồi của người Tây mà ta thường gọi một cách nôm na là “sốt sích”.
Bằng thế nào được dồi chó, phải không ông? Dồi chó làm khéo thì cái ruột phải ken kỹ cho mỏng như tờ giấy, đến lúc ăn vào nó cứ giòn tan, không mềm lừ những tiết như dồi lợn, mà cũng không bã như rơmi kiểu dồi tây; nhưng nó nhuyễn lừ đi, nhai kỹ lại hơi sừn sựt, bùi béo nhưng không ngấy, ngan ngát nhưng không nồng mùi tỏi.
Nhưng muốn thưởng thức một món cầy thật cho nổi vị, ai cũng sẽ phải công nhận với tôi không có món gì “điển hình” hơn món chả.
Có một hôm trời lạnh bàng bạc màu chì, đứng tựa vào một hàng rào dâm bụt xanh, hoa đỏ, ta gọi một hàng thịt chó gánh đi qua mua một đĩa chả vào trong nhà nhắm rượu, cái ngon cũng đã “lẫm liệt” lắm rồi.
Vậy mà nói cho thực, cái ngon đó chưa thấm với cái ngon của một món chả do một người hiền nội trợ khéo chiều chồng đã làm ra, nó tinh khiết mà lại đủ vị hơn nhiều, ăn vào đến môi, trôi liền đến cổ, ôi, thơm phải nói là... điếc mũi!
Là bởi vì các tiệm thịt chó, cũng như những hàng thịt chó gánh rong, không thể nào làm các món thực công phu, thực đúng kiểu, theo như ý chúng ta mong đợi.
Muốn làm một món chả chó thật đúng với ý thích, người ta phải mất công phu nhiều hơn thế. Có thể bảo rằng ta phải tốn công phu y như thể nuôi chim yến đẻ.
Trước hết, không phải là cứ có tiền ra chợ mua bất cứ con chó nào về thịt rồi làm thành món mà ăn được cả đâu. Riêng một việc lựa con chó “dùng” được cũng là cả một sự tìm tòi, học tập công phu rồi. “Chó già, gà non”, câu nói cửa miệng của người ta là thế: ăn thịt gà tìm gà non mà làm thịt, chó phải là chó già mới thú.
Nhưng thực ra, theo những người giàu kinh nghiệm, thịt chó già thường nhạt nhẽo, mà ăn hơi bã. Muốn cho thực ngon, phải là cái thứ chó không già mà cũng không non - cái thứ chó “chanh cốm” trung bình từ hai năm tới hai năm rưỡi, cái thứ chó mà nếu các bà cho phép, ta có thể ví với các thiếu nữ dậy thì “xanh lên ngọn tóc, nhựa căng vú đào”.
Song le, đừng tưởng chọn như thế mà đã đủ. Tuổi tác của con chó mới là một điểm mà ta cần lưu ý. Còn phải lưu ý nữa là bộ lông con chó, chớ không phải cứ là chó thì “hầm bà là” cả một lứa đâu.
Theo các chuyên viên ăn thịt chó, sắc lông ảnh hưởng tới mùi vị của thịt rất nhiều. Cái giống chó “bẹc giê”, “pêkinoa”, cái giống chó “bát sê” cũng như giống “phốc”, nói tóm lại tất cả các giống chó tây phương, cấm có ăn thịt được.
Thịt cứ dai như chão rách, mà hôi quá, ăn không ra cái “thớ” gì. Chó ăn, phải chính cống là giống chó ta, không được lai căng một tí một li ông cụ.
Người Tàu thường cho rằng những người hen suyễn hoặc suy thận mà ăn thịt mèo đen, không có một cái lông trắng nào, thì bổ ngang uống rượu ngâm bách nhật hươu bao tử. Giống chó thì không thế. Cái anh chó mực không được trọng dụng như mèo đen.
Những người sành ăn thịt chó cho rằng nhất bạch, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm, ngoại trừ ra đều “không trúng cách” cả - tuy vẫn biết rằng cứ ăn thịt chó, mà lại thịt chó ta, thì đã ngon chết đi rồi...
Ấy đấy, trong bốn thứ chó bạch, vàng, khoang, đốm đó mà ta vớ được một anh giết thịt, nhất thiết ta không thể làm cẩu thả. Trái lại, phải cẩn thận từng li từng tí, mà có khi càng cẩn thận bao nhiêu thì lúc ngả ra đánh chén lại càng thấy thú vị bấy nhiêu.
Bởi thế, tôi đã từng thấy có những người thui chó tử công phu y như thể một nghệ sĩ đem hết tâm cơ ra để tạo nên một đứa con tinh thần lưu lại cho hậu thế.
Con chó giết rồi, rửa ráy sạch cứ như ly như lau, treo lên cho khô hết nước rồi mới thui. Thui bằng rơm. Thui cả con. Thui xong, đem ra mổ, cắt đầu, cắt chân để riêng ra, duy chỉ lấy bộ lòng, làm thực kỹ, gia giảm đậu xanh, hành tỏi thực thơm cho vào đấy, rồi lấy những cành lá ổi bọc thực kín con chó lại, bọc cho dày, ngoài lại phủ một lần lá chuối, dàn hậu mới lấy bùn quánh đắp ra phía ngoài cùng.
Đoạn bắc kiềng lên, đặt chó vào, chung quanh chất củi cho những đầu củi chụm vào với nhau ở phía trên, kiểu những cái “tăng” hướng đạo, rồi đốt, đốt cho cháy hết củi. Củi tàn, còn than cũng đừng bắc ra vội; cứ để âm ‘ thế, cho đến khi than tàn hẳn.
Nói thì dễ, nhưng làm trọn công việc đó cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Những nghe mà sốt ruột. Nhưng thử tưởng tượng lúc gỡ bùn, giở lá chuối và lá ổi ra mà thấy con chó béo ngậy, cái da cái thịt óng a óng ánh, cách gì mà lại không bắt thèm nhểu nước miếng ra, đòi ăn kỳ cho chết thì thôi.
Nhưng mà ăn ngay thì còn ra cái quái gì. Phí cả thịt đi: muốn nên miếng chả, còn là lắm chuyện.
Riềng già giã cho thật kỹ, đấu với mẻ, gia thêm vào đủ mắm tôm, để đấy cho ba thứ cấu kết với nhau thành một khối chặt chẽ, rồi mới bóp vào với những miếng thịt thái không to không nhỏ, cứ độ vào một đốt ngón tay cái là vừa.
Đừng lấy ra ngay. Hãy ướp tất cả chừng vài tiếng đồng hồ rồi hãy lấy ra xếp vào một cái cặp chả, đặt lên trên than hồng mà nướng.
Này, nướng chả chó, kỵ nhất cái thứ than tây đấy nhé. Nướng bằng củi cũng không được. Phải nướng bằng than tàu, quạt liền tay cho đỏ, mỡ có rỏ xuống than đừng tiếc. Mỡ đó vào lửa, bốc lên thành khói, khói đó quyện lấy chả, tạo ra một mùi vị đặc biệt không tiền khoáng hậu, thơm phưng phức nhưng không thô, thanh thoát cao sang mà vẫn gần nhân loại. Một người đau bịnh nặng, nằm ở bên cửa sổ nhìn ra giàn hoa thiên lý, chợt ngửi thấy mùi thịt bò xào hành tây, có thể ngấy mà lợm giọng; một người có chứng nhức đầu tự nhiên thấy bay đến trước mũi mùi chả lợn nướng có thể thấy khó chịu vì mùi tuy thơm nhưng có ý hơi nóng; nhưng ngửi đến mùi chả cầy ngát trong gió hiu hiu, ta có thể chắc chắn là người khó tính đến mấy đi nữa cũng phải thấy như cởi gan, cởi ruột.
Gắp một miếng thịt đó, đừng ăn vội, hỡi người háu ăn ơi! Cứ từ từ, chầm chậm để làm khổ ông thần khẩu đã! Anh đưa miếng chả lên trước mắt mà xem: miếng thịt cứ săn lại như thịt một người lực sĩ, mà bóng nhễ bóng nhại một cách mới lành mạnh làm sao! Nó thơm quá đi mất thôi, anh ạ. Thơm quá chừng là thơm, thơm không phải chỉ làm khổ riêng khứu giác của những người ở trong nhà mà thôi đâu, còn làm khổ tất cả láng giềng, hàng xóm.
Ở cạnh những người ăn ngon như thế, mình lâu lâu mà không được “thưởng thức”, cũng có khi phải phát bực lên mà “ai oán” cho cái kiếp người không được mấy khi xứng ý...
Chả chó cũng như thịt luộc, ăn cho thật hợp giọng không nên chấm nước mắm, mà chấm với muối chanh. Ai thích cay, ăn vài miếng lại cầm cái cuống xanh của một trái ớt đỏ, cắn một chút, một chút thôi, rồi vừa ăn vừa suy nghĩ thì mình dù lãnh đạm với cuộc đời đến bực nào cũng phải thương hại cho những ai không biết thưởng thức mùi thịt chó!
Tài thế, sao mà cứ cái thịt ấy làm món gì ăn cũng cứ ngon ơ? Có thể anh không thích tái chó, đuểnh đoảng với món nem chạo, thấy món cari chó cũng ngon nhưng không thú vì nó không được thuần túy Việt Nam; nhưng đến cái món dựa mận thì nhất định cả trăm người ăn thịt chó đều phải công nhận đó là một món ăn... bất hủ!
Chẳng biết ông tổ nào nhà mình, trong một phút xuất thần, lại nghĩ ra một món kỳ tuyệt đến như thế được?
Tôi dám nói quyết với các anh rằng có nhiều lúc ngồi thưởng thức món đó, tôi đã từng ví với bản nhạc “Le Danube Bleu” của Johan Strauss(1), nó dìu dặt, khoan thai, cuồn cuộn một cách êm dịu, có đôi khi lại như nhảy nhót lên trong ánh sáng.
Ấy đấy, cái món dựa mận vào trong miệng nó cũng từa tựa như thế đấy. Thoạt mới dùng, ta thấy nó dìu dịu, hiền hiền, nhưng điểm mấy lá húng cho vào rồi đưa đi mấy lá bún trắng tinh, chấm với cái thứ nước quánh đặc một mầu đào mận, ta thấy nhạc điệu khác hẳn đi, khác nhưng từ từ, chậm chậm, theo thứ tự từng gam một, chớ không lỡ điệu, không đột ngột.
Khẩu cái ta như nhảy múa tưng bừng, có lắm lúc tưởng chừng như có cái gì sắp “hỏng kiểu”, làm cho ta hơi sợ; nhưng tài tình là chính lúc ta sợ như thế thì sự ngang trở uyển chuyển vượt qua một cách thần điệu và tạo nên một nét nhạc mới thần tình đến lạ lùng.
Song đừng tưởng rằng muốn hưởng một “nhạc điệu” như thế vào trong lòng mình là một công việc dễ dàng đâu.
Thực vậy, món dựa mận muốn ăn cho ra ăn, cần phải làm công phu rất mực, có khi còn công phu hơn cả món chả là khác nữa. Thịt chó thơm mà ngọt, thui vàng ngầy ngậy lên rồi, đem ra nấu dựa mận mà không quánh, đưa bát đựng dựa mận lên ngang mặt, nheo một con mắt lại mà không thấy nổi lên những rằn ri của bảy sắc cầu vồng, thế là chưa biết nấu.
Muốn có một bát dựa mận thật là gia dụng, ta cần phải chú ý đặc biệt tới ba thứ nòng cốt là mắm tôm, riềng và mẻ.
Mắm tôm phải là thứ mắm tôm “tiến”, lọc cho sạch; riềng giã thực kỹ, cần nhiều, kém thì không dậy mùi; mẻ cũng phải lọc đi lọc lại. Ba thứ đó trộn với nhau thực đều, gia thêm hành muối vừa độ, ướp với thịt chó sống, sau khi đã bóp kỹ rồi. Tất cả để đó, chừng một tiếng đồng hồ, chớ có đụng vào, rồi hãy lấy ra ninh.
Chó già ninh kỹ, chó non đun vừa tới. Nhưng dù là chó già hay chó non cũng vậy, điều phải nhớ là không bao giờ nên gia nước - dù là nước xuýt - riêng cái tiết chó đánh vào cũng đủ làm cho nổi vị lên rồi.
Nói đến tiết chó, ta cũng nên biết một chút về cách mổ chó thế nào cho lông tơ của chó không rụng vào trong bát tiết.
Thường thường, người ta cắt tiết chó như cắt tiết lợn. Song, những người cầu kỳ muốn tận hưởng một bữa thịt chó thực “ra trò” không chịu làm như thế, nhưng lại vẽ thêm ra một “mốt” xét ra cũng vô hại trong nghệ thuật “đả cẩu” ở nước ta; họ tìm đúng cái mạch máu lớn ở nơi giữa cổ con cầy mà cắt; máu ra, họ cho một ống tre con vào mạch máu đó và truyền tiết vào trong một cái liễn lau rửa kỹ càng.
Sự thực, tiết đó không đặc biệt gì hơn thứ tiết cắt thường, nhưng được một điều là không có lông tơ chó lẫn vào. Vả chăng, ai lại còn không biết rằng đối với các ông ẩm thực rỗi rãi thì giờ quá, làm một món ăn càng cầu kỳ, tỉ mỉ bao nhiêu thì họ vẫn thường tưởng tượng càng ngon miệng bấy nhiêu.
Trí tưởng tượng của người ta ẻo ọe y như người đàn bà trẻ đẹp: chiều thì thích, mà quên đi một chút thì “mặt lưng mày vực” ngay...
Chính cũng vì lẽ đó, có nhiều ông ở nhà quê làm dựa mận ngon chết đi được rồi, mà vẫn không chịu ăn ngay, lại còn cầu kỳ muốn cho nó phải “đông” mới thú. Mà ở nhà quê, thường thường không có tủ ướp lạnh thì mới biết làm sao đây? Đừng lo. Người sành ăn uống cầu kỳ cũng như người ghiền a phiến vậy.
Dựa mận mà xong đâu đó cả rồi, không đụng tới mà cho vào trong một cái hũ, bịt kín lại, lấy dây thép quấn chặt rồi trát bùn ở ngoài, lẳng xuống đáy ao một ngày một đêm mới vớt lên. Chao ôi, có cầu kỳ một chút kể cũng bõ cái công vất vả! Ăn miếng dựa mận đông đó, nó tỉnh người ra như con sáo sậu, ông Ba ạ. Lạ miệng, bùi, ngầy ngậy, thơm thơm...
Quái lạ đến thế là cùng! Thịt chó chất nóng, “sốt” thì lạnh, hai cái mâu thuẫn đó, ngồi mà nghĩ tưởng chừng như không thể nào dung hòa được với nhau; ấy thế mà ngờ đâu nó lại y như thể là đại số học vậy; hai cái “trừ” cộng với nhau thành ra “cộng”, lựa là cứ phải một âm và một dương!
Có người đã nói thức ăn ngon mà chỗ ăn không ngon, không ngon; chỗ ăn ngon mà không khí không ngon, không ngon; không khí ngon mà không có bè bạn ăn ngon cũng không ngon. Câu đó đúng. Nhưng tôi muốn thêm vào “Tất cả đều ngon, nhưng ăn ngon mà không đúng thời tiết cũng không ngon nốt”.
Lắm lúc ngồi nhắp một chén rượu tăm cất ở Tây Hồ, thưởng thức một mình một đĩa tái chấm muối tiêu, chanh, ớt, tôi vẫn thường nghĩ hình như trời sinh ra thịt chó là để ăn riêng ở Bắc Việt, chứ không phải ở bất cứ đâu đâu. Từ tháng Tám trở ra, trời Bắc Việt nặng những mây mù, đìu hiu một ngọn gió hanh hao, lành lạnh, gợi nhiều niềm tưởng nhớ xa xưa.
Lòng mình không buồn não ruột, nhưng sầu nhè nhẹ và mình ưa cái sầu đó, bởi vì nó không hại người mà lại nên thơ. Đó, chính ở trong tâm trạng đó mà thưởng thức một bữa thịt chó thì không còn gì hợp lý, hợp tình, hợp cảnh hơn.
Lòng đương lạnh tự nhiên thấy ấm; đời đương bàng bạc bỗng tươi lên một nét đậm mầu. Một thức ăn mà có lúc thay đổi được cả nhân sinh quan của người ta, âu cũng là một cái lạ ít khi thấy vậy.
Vì thế, nhiều khi ngồi trong nhà trông ra giàn thiên lý để cho lòng lắng xuống, tôi vẫn thấy cần phải tha thứ cho những nhà tu hành chỉ vì quá yêu cái đẹp, cái ngon, cất lẻn ra đi xơi thịt chó mà bị mang cái tiếng xấu là “hổ mang, hổ lửa”.
Chao ôi, một Lỗ Trí Thâm, một Hồ Quỳ, làm sao mà chịu được sự câu thúc của một thủ tục chật hẹp không cho người ta sống tự do - tự do tư tưởng, tự do thưởng thức, tự do ẩm thực?
Nếu tôi có tài, tôi quyết sẽ phải viết một loại bài đăng báo cổ xuý những nhà hữu trách trong các giáo phái nên để cho các vị tu hành “đả cẩu” tự do, và hơn thế, lại dùng thịt chó vào trong lễ tam sinh nữa, bởi vì theo các truyện kể trong dân gian thì dường như các ông thổ địa, các ông Thần Trà, Uắt Lũy, kể cả vua Diêm Vương nữa, cũng ưa món ấy. Thần mà còn thích thịt chó, huống chi là người!
Trong các truyện cũ của Tàu, người ta thường thấy có những con hồ ly tinh gần thành chánh quả mà chỉ vì trong một lúc thèm thịt đàn ông, con trai đã làm điều càn bậy để đến nỗi phí cả mấy ngàn năm tu luyện.
Ngồi mà suy nghĩ, tôi tưởng thịt đàn ông con trai, đối với các con tinh cái, ngon bất quá cũng chỉ bằng đến thịt chó đối với chúng ta là cùng. Chẳng thế mà thịt chó đã thành ra món ăn được ca tụng trên cửa miệng mọi người, và hơn thế, lại còn đi sâu cả vào trong văn chương bình dân nữa.
Đàn ông biết đánh tổ tôm,
Biết ăn thịt chó, xem nôm Thúy Kiều.
Thịt chó, thịt cầy, thịt “sư tử đất”, bao nhiêu danh từ được đặt ra, nhưng “làng đánh đụng” vẫn cho thế là chưa đủ, nên luôn luôn những danh từ mới vẫn được người ta “sáng chế”, không ngoài mục đích đề cao món ăn “số dách” kia: thịt chó còn có tên là mộc tồn - ra cái ý rằng mộc tồn là cây còn, cây còn là con cầy; nhưng linh động và ý nghĩa chính là cái danh từ “hương nhục” - thịt thơm.
Này, có dịp nào gặp người biết thưởng thức thịt cầy, anh thử nói về thịt chó mà xem. Một trăm lần như một, anh sẽ thấy người ấy bắt đầu như thế này: “Không có thứ thịt gì lại có thể thơm như nó...”
Nhưng dù thơm, dù ngon, dù ngọt, dù bùi, bao nhiêu “đức tính” đó nào đã thấm vào đâu với cái đức tính bao quát của thịt chó trong công cuộc thống nhất dân tâm, san bằng sự phân biệt giữa các giai cấp trong xã hội?
Thực vậy, tôi đố ai lại tìm ra được một miếng ngon nào khả dĩ liên kết được dân ý đến như vậy, một miếng ngon mà từ vua chí quan, từ quan chí dân, từ ông tư bản đến người làm công, thảy đều ưa thích, thảy đều dùng được, thảy đều thèm muốn, thảy đều công nhận... “ba chê”.
Ôi, cứ nghe người ta nói thì đổ thóc giống ra mà ăn! Ăn thịt chó là thiếu văn minh, ăn thịt chó là bẩn thỉu, ăn thịt chó là bất nhân bạc ác... và còn gì nữa, và còn gì gì nữa!
Người ta viện lý con chó là bạn của loài người, ăn thịt chó là mọi rợ, thế thì tại sao con ngựa, “một chinh phục cao cả nhất của loài người” mà người Âu Mỹ cũng đem ra “đánh chén”? Bảo là con chó ăn bẩn, thế thì con gà, con lợn, con cá ăn uống sạch sẽ ư?
Không. Con chó là con vật để cho người ta ăn thịt; ăn thịt chó không khác gì ăn thịt thỏ, ăn thịt nai, ăn thịt bò. Huống chi thịt chó lại còn ngon và bổ; vì thế tôi cho rằng mặc dầu người ta đàm tiếu thế nào đi nữa, thịt chó vẫn cứ là một món ngon bất diệt của dân ta và tôi tin rằng: “Nước ta còn, thịt chó còn” mà văn hóa ẩm thực của ta mai sau hay, dở là ở điểm có biết duy trì thịt chó hay không vậy.
Về Đầu Trang Go down
kuytars

kuytars


Tổng số bài gửi : 209
Join date : 15/07/2010
Đến từ : somewhere

Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC    Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  EmptySat Jul 17, 2010 6:36 pm

chài chài tưởng hết rồi chứ
@.@ nhiều chứ quá
Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Cadeaux
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC    Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC  Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Truyện ngắn: KHÔNG CHỊU NHỤC
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Vào là chết ! Không chịu trách nhiệm :)).
» Đẻ những đóng phân như tụi bây không được nhờ còn bị người khác xỉa xói vào mồ mã tổ tiên Thiệt là nhục nhã hết sức Về mà ngậm BVS của má mày mà nghĩ lai đi lũ dog dại
» Không phải anti, chỉ là không thích thôi
» Lu bao nao~ ! nhuc mat viet nam voi bon may`qua !
» Thật là tội nghiệp cho ba má tụi bây .Sanh ra những thứ thừa thải à không phế thải mới đúng Ba má tụi bây mà biết có những đứa con mất dạy như vậy chắc nắp hòm của ba má tụi bây bật ra mồ mã tổ tiên tụi bây cũng không yên phải ngồi dậy dạy lũ bệnh hoạn

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Anti K-pop :: Anti K-Pop :: Anti SNSD - Girls' Generations-
Chuyển đến